Từ đầu năm 2025, Bộ Công an Việt Nam liên tiếp khởi tố các vụ án liên quan đến hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, trị giá lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Đáng chú ý, ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an tiến hành khám xét, khởi tố bắt giam đối với các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, do có liên quan đến các sai phạm trong hoạt động kinh tế, và mua bán trái phép hóa đơn.
Theo giới thạo tin, Tập đoàn Thiên Minh Đức là một trong những sân sau của cựu Chủ tịch Quốc hội, cựu Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.
Hiện nay, tình trạng mua bán hóa đơn trái phép ở Việt Nam vẫn diễn ra phức tạp, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Các đối tượng thường lợi dụng kẽ hở trong quản lý thuế, lập doanh nghiệp “ma” để phát hành hóa đơn khống, sau đó bán lại cho các doanh nghiệp khác nhằm trục lợi.
Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây bất ổn trong môi trường kinh doanh. Vấn đề mua bán hóa đơn trái phép không phải là vấn đề mới, mà tồn tại trong nhiều năm, do đó, trách nhiệm quản lý thuộc về nhiều giai đoạn và nhiều lãnh đạo khác nhau.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân của vấn đề mua bán hóa đơn trái phép ở Việt Nam xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, như kẽ hở trong quản lý thuế, việc phối hợp giữa cơ quan liên quan chưa hiệu quả, và hệ thống quản lý thuế chưa hiện đại.
Nhưng một nguyên nhân cơ bản, do nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, tham gia vào các hoạt động mua bán hóa đơn khống.
Trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý, giám sát hiệu quả của hệ thống thuế, kể cả việc ngăn chặn các hành vi gian lận phải thuộc về các lãnh đạo của Bộ Tài chính.
Đáng chú ý, chiếc ghế Bộ Trưởng Bộ Tài chính trong một thời gian dài đã được phe Nghệ An liên tục kiểm soát và nắm giữ. Điều đó có liên quan gì đến các cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính, gồm các ông Nguyễn Sinh Hùng, Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng và ông Hồ Đức Phớc?
Theo giới phân tích, các nhân vật vừa kể từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính trong giai đoạn từ tháng 11/2011 đến tháng 11/2024, do đó, phải là những người chịu trách nhiệm. Trong đó, ông Vương Đình Huệ và ông Hồ Đức Phớc cùng là các lãnh đạo chủ chốt của phe Nghệ An.
Theo giới phân tích quốc tế, mối quan hệ giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và phe Nghệ An, đặc biệt là với ông Vương Đình Huệ, là sự cạnh tranh quyền lực trong nội bộ Đảng. Đây là một yếu tố quan trọng trong chính trị Việt Nam, nhằm duy trì sự cạnh tranh ngầm vì cân bằng giữa các phe nhóm để đảm bảo sự ổn định và phát triển.
Theo giới thạo tin, việc mới đây việc Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn khi cho rằng, kể cả các lãnh đạo cao cấp nhất đã hạ cánh, nhưng chưa chắc đã được an toàn. Điều này được cho là ám chỉ tới ông Nguyễn Xuân Phúc và Vương Đình Huệ.
Mới đây, trên mạng xã hội đã rộ tin, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được cho là đã dính “chưởng” khi ký Nghị định 168, gây xáo trộn xã hội, và đang được xem xét xử lý. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc – cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ được đề cập tới trong chuyên án “mua bán trái phép hóa đơn” trong thời gian sắp tới. Không loại trừ khả năng Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ xử lý tiếp ông Vương Đình Huệ.
Liên quan đến loại hình tội phạm này, vụ án cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca cấu kết với các “trùm” hóa đơn đất cảng bị triệt phá vào năm 2023. Năm 2024, tướng Đỗ Hữu Ca bị tuyên án 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây là lý do, có những suy đoán cho rằng, việc 2 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, và Hồ Đức Phớc đang nằm trong tầm ngắm của ông Tô Lâm, với mục đích giành 2 chiếc ghế Phó Thủ tướng quan trọng này cho phe cánh Hưng Yên.
Trà My – Thoibao.de